Quà tặng đối tác
Phong tục tặng quà Tết trên thế giới
[CPA] Chọn một món quà Tết 2023 cho người trong nước đã khó, chọn quà tặng Tết 2023 cho người đến từ các quốc gia khác còn khó hơn. Nhưng nếu bớt chút thời gian tìm hiểu phong tục, nét văn hóa trong cách thức trao và nhận quà của các quốc gia trên thế giới, bạn sẽ thấy công việc này không khó như mình vẫn nghĩ!
Quà Tết 2023 dành tặng nhau trong mỗi dịp tết đến xuân về là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tuy nhiên hành vi này còn hiện diện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy tại mỗi quốc gia trên thế giới thì hành vi này có gì khác nhau không? Hãy cùng tìm hiểu cách tặng quà Tết 2023 của người dân các quốc gia trên thế giới qua bài viết dưới đây nhé!
>> Xem thêm: Những món “Quà kiêng kỵ” KHÔNG nên tặng vào dịp Tết 2023
1 Cách tặng quà Tết 2023 ở các quốc gia châu Á
Cũng như Việt Nam, đa số các nước ở Châu Á đều đón tết theo lịch Tết âm lịch Quý Mão 2023, quà biếu tết không chỉ thể hiện ở giá trị món quà, mà còn thể hiện cả giá trị tinh thần. Điều đó thể hiện sự yêu thương, gắn bó, tri ân của mọi người với ông bà, cha mẹ, người thân, sếp, bạn bè, đồng nghiệp…
Tại Trung Quốc, người ta có phong tục mang theo một túi cam quýt có bỏ kèm những phong bao lì xì mừng tuổi khi đến chúc Tết Quý Mão 2023 nhà bạn bè, người thân trong dịp đầu năm mới. Ngoài màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, sung túc tại các nước phương Đông, phong tục biếu cam, quýt này còn bắt nguồn từ thú chơi chữ của người Trung Quốc xưa. Trong tiếng Hán, chữ cam phát âm gần giống với từ giàu có, còn chữ quýt thì lại giống từ may mắn. Đặc biệt, đối với những cặp vợ chồng mới cưới thì việc tặng cam quýt được coi như lời chúc sinh con đàn cháu đống.
Tại Hàn Quốc, trong ngày Tết, con cháu sẽ bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ tặng tiền, vàng hoặc một món quà mang ý nghĩa nào đó tùy thuộc vào tuổi, vị trí trong gia đình cũng như điều kiện của gia đình đó. Sau đó, cả gia đình sẽ quây quần bên mâm cơm Tết, rồi cùng nhau đi chúc Tết người thân, họ hàng.
Còn tại đất nước Nhật Bản, phong tục tặng quà Tết cũng thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như những quan niệm trong phép đối nhân xử thế. Người Nhật rất quan trọng các mối quan hệ xã hội nên tặng quà được xem như sợi dây gắn kết con người lại với nhau và giúp thể hiện tâm tư, tình cảm của người tặng. Người Nhật thường tặng phiếu mua sách cho các em bé và người già. Bên cạnh đó, việc tặng cho nhau những thiếp mừng năm mới cũng là nét đặc sắc trong văn hóa tặng quà Tết của người Nhật.
Tại Việt Nam, văn hóa tặng quà Tết Quý Mão 2023 đã có từ lâu đời và được lưu truyền đến tận ngày nay. Những món quà biếu Tết của người Việt cũng rất đa dạng, đó có thể là những hộp quà Tết, giỏ quà Tết sang trọng, hay đơn giản chỉ là những chiếc bánh chưng, khoanh giò. Dù là món quà đơn giản hay cầu kỳ thì cũng ẩn chứa những tình cảm chân thành của người Việt trong đó.
2 Cách tặng quà Tết 2023 ở các quốc gia châu Mỹ và châu Âu
Quà Tết ở khu vực Bắc Mỹ và các quốc gia châu Âu thường được trao tặng quà vào dịp Giáng sinh kéo dài đến Tết dương lịch. Đây là khoảng thời gian ý nghĩa nhất của họ. Quà tặng Tết trao đến nhau thường rất đa dạng và phong phú, từ bánh kẹo, hoa tươi, đồ thời trang hoặc chocolate…. Những món quà Tết này thường mang những ý nghĩa thay cho những tình cảm trân quý của người trao đến người nhận.
Tập tục tặng quà Tết ở Brasil: Trong đêm giao thừa, người ta thắp sáng hàng ngàn, hàng vạn ngọn nến trên khắp bờ biển để tế Nữ thần Biển cả. Trong giờ phút thiêng liêng của ngày đầu năm mới, phụ nữ ở đây mặc những chiếc váy dài trắng tinh, ôm những bó hoa tươi thắm đủ màu sắc ra đặt ở bãi biển. Những đợt sóng biển trong đêm cứ lớp lớp nối tiếp nhau, tiến vào bờ cát rồi rút về biển cả bao la, sẽ mang theo những bó hoa mùa xuân tươi thắm để dâng tặng cho Nữ Thần đại dương.
Tại Anh, người ta thường tặng nhau vào dịp cuối năm một mẩu than đá, một chút tiền bạc, bánh mỳ hay một chút muối. Theo quan niệm của người Anh, những đồ vật đó tượng trưng cho sự sung túc, giàu có.
Tại Pháp, bạn bè thân quen đến thăm nhau ngày Tết, thường mang tặng nhau những thanh củi lớn, tượng trưng cho sự ấm cúng, hạnh phúc trong năm mới. Ở miền nam nước Pháp còn đang lưu truyền một tục lệ đẹp, sáng mồng một Tết, người phụ nữ đầu tiên trong làng ra bến lấy nước sẽ để lại ở đấy một chiếc bánh ngọt do mình tự tay làm. Người thứ hai đến sẽ lấy chiếc bánh đó đi và để lại chiếc bánh của mình. Cứ thế mà những ngày đầu xuân, các bà nội trợ trong làng đã trao đổi với nhau những chiếc bánh ngon lành làm quà Tết, vừa để chúc mừng nhau năm mới, vừa để khoe tài nội trợ của mình.
Hay tại Scotland, trong đêm giao thừa, tất cả mọi gia đình đều mở rộng cửa để đón khách đến chúc Tết. Bạn có thể ghé thăm bất cứ nhà nào cũng được tiếp đãi nhiệt tình và được tiếp đãi thịnh soạn. Và món quà Tết mang ý nghĩa nhất của người Scotland, đó là một hòn than đá. Người ta mang theo một hòn than đá ném vào lò sưởi của gia đình với lời chúc: “Mong rằng ngọn lửa trong nhà này sẽ cháy mãi không bao giờ tắt”, câu nói này hàm chứa ý nghĩa rằng chúc cho gia chủ một năm mới đầm ấm, hạnh phúc…
Ở Hungary, vào sáng mồng một Tết, khi cả nhà quây quần bên bàn tiệc, con cháu sẽ tặng quà Tết cho ông bà, cha mẹ là những quyển sách quý mới xuất bản trong năm, hoặc những đôi tất ấm và khăn quàng để bày tỏ lòng hiếu thảo. Trẻ em thì sẽ được tặng những món quà như xe trượt tuyết, hay những đồ chơi đặc biệt mà ông bà, cha mẹ thấy con cháu mình thích nhất.
Người Bulgari tặng quà Tết như thế nào? Những ngày Tết bạn bè đến thăm nhau, người ta lại mang tặng nhau những “cành sơn thù du” thay cho lời cầu chúc một năm mới tốt lành, hạnh phúc. Ngoài ra người Bulgari còn có một tục lệ khác khá độc đáo, ngày Tết khách đến nhà chơi mà hắt hơi là sẽ mang lại hạnh phúc cho gia đình, đó cũng là một món quà Tết của người dân nơi đây. Chủ nhà lập tức đáp lễ, tặng lại bạn mình một con gà, con bê hay con ngựa con đầu tiên, vừa mới sinh ra trong gia đình mình.
3 Cách tặng quà Tết 2023 ở các quốc gia châu Phi
Ở các quốc gia châu Phi, cách tặng quà Tết cũng rất thú vị. Người dân ở vùng đảo Co-Rite đến thăm nhau trong ngày Tết và dành tặng nhau những món quà, những lời chúc tốt đẹp, niềm vui và sự háo hức cho một năm mới ấm no, an lành. Điều đặc biệt trong cách tặng quà của người dân nước này đó là không thể thiếu một tảng đá. Và trong lời chúc của người dân nước này thường có câu: “Mong cho năm mới sẽ có khối vàng nặng như tảng đá này đến nhà bạn”.
Sudan quý nhất quà tặng Tết là cành hồ đào! Ngày tết đi thăm bạn bè, người ta sẽ chọn mang đến tặng nhau những món quà Tết mà họ biết là bạn sẽ thích nhất, nhưng phải kèm theo một “cành hồ đào” thì tặng phẩm mới có giá trị. Bởi vì ở xứ sở này, “cành hồ đào” là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất để chúc mừng nhau nhân dịp năm mới.
4 Văn hóa tặng quà ở một số nơi khác trên thế giới 2023
Những nước như Malaysia và Paraguay, vấn nạn tham nhũng rất lớn, do đó họ tránh những món quà dễ bị hiểu nhầm là hối lộ. Ở Malaysia, bạn không nên tặng quà trừ khi bạn đã tạo được một mối quan hệ bạn hàng thân thiết với họ. Còn tại Singapore, nhân viên của chính phủ không được phép nhận quà, và Hoa Kỳ thì quy định mức giới hạn cao nhất cho một món quà là 25 USD.
Tuy nhiên, ở một số nước như Nhật Bản, Indonesia hay Philippine chẳng hạn, thì việc trao đổi quà tặng lại ăn sâu vào truyền thống của các nước này. Một phần truyền thống này được thể hiện trong thái độ lịch sự mà người ta trao và nhận quà. Họ rất thận trọng khi cân nhắc thời gian trao quà và rất chú tâm khi tặng và nhận quà.
Tại châu Á và Trung Á, bạn chỉ được sử dụng tay phải hoặc cả hai tay để cầm quà. Ở Nhật Bản và ở Hong Kong, thì bạn phải dùng cả hai tay.
Tại Singapore, đối tác có thể sẽ lịch sự từ chối món quà của bạn 3 lần trước khi chấp nhận nó. Nhưng tại Chile, người ta có thể nhận quà và bóc quà ngay lập tức. Và ở Indonesia, người ta vẫn thường trao cho nhau những món quà nho nhỏ.
Bạn phải luôn biết rõ về những quy tắc tôn giáo khi chọn quà nữa. Ví dụ như, trong đạo Do Thái và đạo Hồi người ta cấm thịt lợn, do đó bạn đừng tặng món quà nào làm từ da lợn. Còn ở Ấn Độ thì đừng tặng món quà nào làm từ da bò. Một điều kiêng kỵ nữa khi tặng quà những đối tác theo đạo Hồi là không tặng Rượu.
Một tiêu chuẩn khi bạn chọn quà chính là chất lượng. Hãy chọn những món quà có chất lượng tốt nhưng không quá phô trương. Nếu bạn tặng họ món quà có dán mác của công ty mình thì hãy để thật kín đáo. Và cũng đừng bao giờ tặng quà có dán mác công ty mình ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha.
Tổ chức một bữa ăn ở nhà hàng cũng là một cách hay. Một bữa tối ngon miệng cũng có thể coi là một món quà gửi tới những vị chủ nhà (đối tác làm ăn của bạn), thông qua đó bạn có thể chỉ ra cho những vị khách của bạn rằng bạn đánh giá cao mối quan hệ làm ăn với họ, và cơ hội hợp tác giữa đôi bên. Những đối tác đến từ Brazil, Anh, Panama, và Peru đều rất sẵn lòng dự bữa tối với bạn hàng của mình, cả người Hy Lạp cũng vậy. Còn ở Trung Quốc, bạn hãy chuẩn bị một bữa tiệc lớn với đối tác, nhất là khi họ là khách mời vinh dự của bạn.
DANH SÁCH CÁC NƯỚC MÀ TẠI ĐÓ BẠN NÊN/KHÔNG NÊN TẶNG QUÀ CHO ĐỐI TÁC:
Những quốc gia mà tại đó người ta chấp nhận quà cáp là :
- Khu vực Châu Âu: Cộng hòa Séc, Phần Lan, Liên bang Nga, Ukraina.
- Khu vực Châu Mỹ La Tinh: Bolivia, Columbia, Costa Rica
- Khu vực rìa Thái Bình Dương: Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Đài Loan, Malaysia, Philippine, và Thái Lan
Những nơi bạn không nên tặng quà ngay lần đầu gặp gỡ, nhưng việc tặng quà lại có thể được chấp nhận vào những lần sau:
- Châu Âu: Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha
- Châu Mỹ La Tinh: Brazil, Chile, Guatemala. Nicaragua, Panama, Peru, Venezuela
- Vùng ven Thái Bình Dương: Malaysia và Singapore
- Khu vực Scandinavi: Phần Lan và Thụy Điển.
Những quốc gia mà ít khi người ta tặng hay nhận quà là:
- Châu Phi
- Châu Úc
- Châu Âu: Anh, Pháp, Hungary, Ý
- Châu Mỹ La Tinh: UruguayScandinavi : Đan Mạch
- Trung Á: Pakistan, Ả rập Saudi
- Hoa Kỳ
Đối với những quốc gia không có trong danh sách này thì bạn có thể tặng hoặc không tặng đều được.
Khi bạn là một công ty, một doanh nhân thì khi mỗi dịp tết đến hoặc ngày đặc biệt của đối tác, mà lại là đối tác nước ngoài nữa, thì sẽ khó khăn hơn gấp đôi so với người Việt. Tặng quà cho đối tác nước ngoài là cách giao tiếp văn hóa, thể hiện tấm lòng của bạn đối với đối tác. Nhưng để tặng món quà doanh nghiệp cho đối tác nước ngoài, để tỏ lòng biết ơn họ. Sau một năm qua đã cùng công ty bạn phát triển hợp tác đi lên, nói về tập tục văn hóa, lẫn phương thức nhận quà, của người nước ngoài không giống người Việt ta. Nên đây là vấn đề rất nan giải đối với nhiều công ty.
CÁCH TẶNG QUÀ Ở MỘT SỐ KHU VỰC HAY TÔN GIÁO KHÁC:
Văn hóa tặng quà ở các nước Latinh:
Văn hóa tặng quà ở các nước Latinh quả không cầu kỳ như Trung Quốc và Nhật Bản, hoặc ít ra nền văn hóa này không quy định một nghi lễ tặng quà chính thức nào cả. Tuy nhiên trong những quốc gia Latin, những mối quan hệ kinh doanh đều có thể phát triển thành những mối quan hệ cá nhân. Để có được một tình bạn bền chắc với các đối tác đến từ những đất nước này, tặng quà sẽ là một cách duy trì quan hệ tốt vì món quà của bạn sẽ lưu lại ấn tượng tốt đẹp về bạn với đối phương trong lần đầu gặp gỡ. Không chỉ vậy, tặng quà trong những lần gặp tiếp theo sẽ khiến cho đối tác đánh giá cao sự rộng rãi và tử tế của bạn.
Ở các quốc gia này, những mối quan hệ thân thiết đều trở thành những vấn đề cá nhân, do đó đừng ngần ngại tìm hiểu phong cách của người mình sắp tặng quà. Và sau đó, hãy chọn một món quà phù hợp với phong cách của họ, giả dụ như bạn tặng một bó hoa tulip cho đối tác vì loại hoa ưa thích của vị đối tác đó là tulip. Chắc chắn đối tác sẽ hiểu họ rất quan trọng đối với bạn. Bạn cũng nên bọc quà cẩn thận, dùng giấy bọc thật đẹp vì chi tiết nhỏ này cũng thể hiện giá trị của mối quan hệ.
Nếu bạn là một quý ông tặng quà cho đối tác là một phụ nữ, để món quà của mình không bị hiểu nhầm hoặc mang ý nghĩa quá lãng mạn, bạn nên nói với quý bà này rằng bạn tặng quà thay mặt cho vợ bạn, hoặc chính người thư ký của bạn đã chọn món quà này.
Tuy không phức tạp bằng văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản, văn hóa của các nước Latinh cũng có một số điều kiêng kỵ đối với màu sắc và vật phẩm. Giấy tím và giấy đen không được dùng để bọc quà vì đây là màu giấy dùng trong tuần Thánh.
Những vật phẩm gắn với đám tang hoặc cái chết như khăn tay, hoa vàng, hoa đỏ và hoa trắng cũng không nên dùng.
Cũng giống như các nền văn hóa khác, bạn không nên tặng quà là những vật sắc như dao, kéo vì chúng thể hiện sự chia cắt các mối quan hệ.
Văn hóa tặng quà ở các nước theo đạo Do Thái:
Người Do Thái không được phép ăn thịt lợn và những loài giáp xác dưới biển. Những quy định về thức ăn thì cụ thể đến từng loại thực phẩm một, loại nào được phép tiêu thụ và quy trình sơ chế hay chế biến chúng như thế nào. Thức ăn nằm trong danh sách các quy định đó sẽ bị đánh dấu và dán nhãn là “hạn định” (“kosher”).
Vì rượu được dùng trong những nghi thức tôn giáo do đó người ta dán nhãn “hạn định” trên vỏ chai kể cả là rượu đó chỉ dùng trong những buổi tiệc bình thường. Do đó rượu và tất cả những sản phẩm làm từ rượu phải được chế biến và đóng chai bởi tay những người Do Thái mà thôi.
Không giống như rượu, những sản phẩm có tính cồn khác không bị đánh dấu là “hạn định”. Do đó bạn có thể chọn một chai rượu cất đẹp để mang tặng một khách hàng Do Thái.
Nếu bạn muốn mua quà là một món ăn hoặc một chai rượu, tốt nhất là bạn nên đi tới những cửa hàng của người Do Thái, tại đó bạn sẽ nhận được những lời khuyên phù hợp là loại rượu hoặc thức ăn nào không phải loại cấm. Điều này thậm chí cũng nên áp dụng khi bạn mua hoa quả mang tặng.
Văn hóa tặng quà ở các quốc gia Hồi giáo:
Trong nền văn hóa Hồi giáo, kinh Co-ran nghiêm cấm rượu và những sản phẩm có cồn. Do đó rượu và các sản phẩm có cồn kể cả là nước hoa đều bị cấm. Những sản phẩm hoặc thức ăn có xuất xứ từ heo, chim, và các loài giáp xác dưới nước đều bị cấm. Do đó không bao giờ người ta tặng nhau sản phẩm làm từ da lợn hay lông đà điểu cả.
Quần áo cũng không nằm trong danh sách quà tặng, vì đối với họ món quà này quá riêng tư và không thể mang tặng được. Người ta cho rằng loài chó không hề sạch sẽ, và bất cứ thứ gì dính dáng tới loài này đều thế, kể cả đấy là một bức hình có một chú chó nhỏ ở góc. Dao là vật có lưỡi sắc, và bị coi là biểu tượng chia cắt mối quan hệ trong văn hóa đạo Hồi. Tất cả những món quà như quần áo, dính dáng tới loài chó, hay dao đều không được chấp nhận.
Người ta cũng không tặng nhau những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hay những bức họa hoặc bức ảnh có hình cơ thể người, đặc biệt là khỏa thân, và đặc biệt hơn nữa là phụ nữ khỏa thân. Những sản phẩm có chất nicotine không được các nước Ả rập hoặc những nước Trung Đông cho phép mang tặng.
Món quà tuyệt vời dành cho một tín đồ Hồi giáo tận tâm lại là một chiếc la bàn. Mỗi ngày người tín đồ Hồi giáo phải hướng về thánh địa Mecca (thành phố nằm ở phía Tây của Ả rập Saudi, bên bờ biển Đỏ, được cho là nơi sinh ra của nhà tiên tri Muhammad). Với một chiếc la bàn thì người đó có ở bất cứ nơi nào trên thế giới, anh ta cũng dễ dàng tìm được hướng của thánh địa này.
Nếu bạn gặp gỡ một đối tác là người theo đạo Hồi giáo nhưng lại trên một đất nước mà đạo Hồi không phải tôn giáo chủ yếu, bạn nên mời đối tác của mình tới một nhà hàng có phục vụ hallah ( loại bánh mỳ trứng đặc biệt mà người Do Thái hay ăn trong các ngày kỉ niệm lớn, lễ Sabbath và những dịp lễ khác). Bạn cũng nên nhớ là không được dùng rượu, đặc biệt là khi có một quan chức chính phủ hoặc tôn giáo cùng ngồi với bạn và đối tác của bạn. Hãy giữ mình thận trọng và dè dặt kể cả khi đang giải trí.
Ở những đất nước đạo Hồi khi đưa hay nhận quà bạn nên dùng tay phải hoặc cả hai tay. Những người Hồi giáo quan niệm tay trái là không sạch sẽ.
Văn hóa tặng quà ở các nước theo Đạo Hindu (Ấn độ giáo):
Trong đạo Hindu, bò là loài vật thiêng liêng thần thánh, người ta tránh xa tất cả những thực phẩm dính tới cá và những loài động vật khác ngoại trừ sữa hoặc bơ. Do đó bạn không nên chọn một sản phẩm thức ăn hay áo lông liên quan tới những loài trên.
Hầu hết những tín đồ đạo Hindu không uống rượu. Mặc dù một số người bị ảnh hưởng tư tưởng của phương Tây thì vẫn uống, nhưng bạn vẫn không nên tặng rượu trừ phi bạn biết rõ đối tác của mình có thói quen uống rượu, và bạn phải đảm bảo rằng nếu bạn tặng rượu thì người đó không thấy phiền. Có nhiều trường hợp, người đó có thể uống khi đang ở nước ngoài hoặc khi chỉ có một mình, nhưng lại không uống ở nơi công cộng.
Bạn phải đưa quà hoặc nhận quà bằng tay phải hoặc cả hai tay, không được dùng tay trái do đạo Hindu không cho đó là bàn tay sạch sẽ. Người Hindu cũng không mở quà ngay khi họ nhận nó.
Văn hóa tặng quà ở các nước mang đậm nét nền văn hóa châu Âu:
Đối với các đối tác tới từ những quốc gia châu Âu và những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa châu Âu, họ không có truyền thống tặng quà sâu đậm, bạn không nên thường xuyên tặng quà như một phần quan trọng trong mối quan hệ của bạn. Song chuyện này không có nghĩa là một món quà nhân một dịp đặc biệt là không thích hợp. Thói quen của người châu Âu là không tặng quà ngay lần đầu gặp mặt, hoặc tặng quà như một thói quen, trong tất cả những lần gặp mặt.
Xét chung trong quan hệ đối với những đối tác đến từ tất cả các nền văn hóa, bạn đều có thể phát triển mối quan hệ giữa hai bên bằng cách mời họ một bữa ăn thân mật, hoặc một buổi nhạc kịch tại nhà hát, hay nhân dịp một sự kiện thể thao nào đó, như là một trận đấu của đội bóng họ yêu thích. Cách làm này rất thông dụng và cả hai bên đều có thể mời nhau khi người này tới nước người kia hoặc là khi cả hai người cùng tham dự một cuộc hội thảo quốc tế tại một địa điểm thứ ba nào đó.
Chọn một món quà tết 2023 cho người bạn/đối tác đến từ các quốc gia châu Á thân thuộc đã khó, chọn quà tặng tết 2023 cho người bạn/đối tác đến từ các châu lục khác còn khó hơn. Nhưng nếu bớt chút thời gian tìm hiểu phong tục, nét văn hóa trong cách thức trao và nhận quà tết của các quốc gia trên thế giới, bạn sẽ thấy công việc này không khó như mình vẫn nghĩ. Chúc bạn tìm được món quà phù hợp tương ứng với người bạn đến từ quốc gia/châu lục bất kỳ nhé!
