Connect with us

Sức khỏe & Làm đẹp

Những điều bạn sẽ cần biết về Vắc xin Covid-19

[CPA] Tiêm vắc xin là lá chắn an toàn bảo vệ bạn và gia đình trước dịch bệnh Covid 19. Đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều loại vắc-xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Tuy nhiên bạn vẫn còn đang có nhiều câu hỏi liên quan đến Vắc xin Covid-19 như: Vắc xin covid-19 là gì? Có bao nhiêu loại? Có nên tiêm vaccine Covid-19 không? Loại nào tốt nhất? Đối tượng tiêm chủng? Tiêm bao nhiêu mũi? Mũi 1 cách mũi 2 bao lâu? Tiêm kết hợp các loại vắc xin được không? Phụ nữa có thai có tiêm vắc xin covid-19 được không? Trên thế giới còn những loại vắc xin nào nữa… Chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc hay gặp về vắc xin covid-19 ngay bên trong bài viết này!

Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất!

1 Vắc xin Covid-19 là gì?

Vaccine Covid-19 là chủng loại vaccine phòng bệnh viêm viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây nên, vaccine sẽ giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 mà không cần nhiễm bệnh.

Cách thức hoạt động chung của vaccine là kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể bằng kháng nguyên, thường là bằng protein hình gai trên bề mặt của virus, được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Sau khi tiêm vaccine, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra một số triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau nhức vùng tiêm,… Các triệu chứng này hoàn toàn bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch.

2 Có nên tiêm vắc xin Covid-19 không?

Hiện nay, vaccine Covid -19 đã dần phổ biến rộng rãi và hoàn toàn miễn phí cho mọi người.

CDC khuyến cáo nên tiêm vaccine Covid -19 ngay khi tới lượt

Tất cả các vaccine phòng Covid-19 hiện nay, có chung mục tiêu là tạo sự miễn dịch đối với virus Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Vaccine được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Các loại vaccine được cấp phép bởi các cơ quan y tế có thẩm quyền trên thế giới, đã được sử dụng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ sau quá trình thử nghiệm lâm sàng. Vaccine Covid-19 đem lại hiệu quả từ 65 – 97,6% tuỳ vào mỗi loại vaccine.

“Sự lây nhiễm xảy ra chỉ ở tỷ lệ nhỏ những người đã được tiêm chủng đầy đủ, ngay cả với biến thể Delta.” – Theo CDC

Có thể có tác dụng phụ sau khi chủng ngừa như sốt sau tiêm, mệt mỏi, đau nhức…đây là những vấn đề bình thường và sẽ biến mất trong vài ngày. Tuy nhiên, CDC đã khẳng định rằng các lợi ích miễn dịch mà vaccine mang lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ tác dụng phụ.

Sau khi tiêm Vaccine đầy đủ, có thể tham gia nhiều hoạt động hơn do đã có hệ miễn dịch phòng thủ. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai “hộ chiếu vaccine” – cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid -19 được tự do đi lại và tham gia nhiều hoạt động khác.

3 Đối tượng tiêm vắc xin Covid-19

Với tình trạng nguồn vaccine chưa đủ để cung ứng cho toàn bộ người dân thì bắt buộc phải có những đối tượng được ưu tiên sử dụng trước. Hầu hết đều là những người có nguy mắc Covid-19 cao do tình trạng sức khỏe hoặc công việc phải tiếp xúc với trực tiếp với nguồn lây.

Dưới đây là nhóm đối tượng cụ thể được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19:

  • Nhân viên y tế
  • Nhân viêm tham gia phòng chống dịch
  • Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
  • Lực lượng quân đội
  • Lực lượng công an
  • Giáo viên
  • Người trên 65 tuổi
  • Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước…
  • Người mắc các bệnh mãn tính
  • Người có nhu cầu đi công tác, học tập và lao động tại nước ngoài
  • Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tế

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid -19 lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Bất cứ ai đều có thể đăng ký tiêm Vaccine Covid-19

Cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký, tình hình sức khoẻ của từng người và sàng lọc cụ thể từng đối tượng, sau đó gửi tin nhắn về số điện thoại đăng ký tiêm chủng thời gian và địa điểm đến tiêm.

4 Bị F0 rồi có tiêm vắc xin Covid-19 được không?

Đã nhiễm virus Corona tiêm phòng có tác dụng không?

Căn cứ vào nghiên cứu lâm sàng, vắc xin phòng virus Corona sẽ được chỉ định cho từng nhóm đối tượng thử nghiệm khác nhau. Tại Việt Nam, COVID-19 vaccine AstraZeneca không được chỉ định để tiêm cho người đã từng nhiễm virus SARS-COV-2.

5 Cơ chế hoạt động của vắc xin Covid-19

Vắc xin Covid-19 có hai cơ chế sinh miễn dịch: thụ động và chủ động.

(1) Miễn dịch thụ động:

Miễn dịch thụ động chống Covid-19 có thể đạt được nhờ huyết thanh từ bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm virus Sars-Cov-2, huyết thanh này chứa lượng lớn kháng thể miễn dịch, từ Globulin siêu miễn dịch – chẳng hạn như globulin miễn dịch với cytomegalovirus (CMVIG) được thu thập từ nhiều người hiến khác nhau hoặc với kháng thể trung hòa đơn dòng.

(2) Miễn dịch chủ động:

Hiện nay, có đến hơn 100 loại vắc xin Covid-19 đang ở các giai đoạn phát triển tiền lâm sàng. Các loại vắc xin tác động theo những cơ chế khác nhau để tạo ra miễn dịch, nhưng với tất cả các loại vắc xin Covid-19 đều có cơ chế chung là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vắc xin còn có thể tạo ra tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh, chống lại chúng nếu bị tấn công trong tương lai.

Cho đến hiện tại, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu xem thời gian mà các tế bào ghi nhớ này bảo vệ cơ thể khỏi virus Sars-Cov-2 là bao lâu.

Đối với COVID-19 Vaccine AstraZeneca, cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, phòng tác nhân gây bệnh virus SARS-CoV-2. Những loại vắc xin khác nhau sẽ có những tác động khác nhau để cơ thể đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên có một điểm chung trong cách thức hoạt động của vắc xin là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vắc xin còn có thể tạo ra tế bào miễn dịch, gọi là tế bào lympho T, lympho B ghi nhớ để chống lại “kẻ xâm lược” – virus trong tương lai.

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được sản xuất theo theo cơ chế vector, tức là vắc xin sử dụng virus adeno mất khả năng sao chép của tinh tinh, dựa trên phiên bản suy yếu của virus adeno (virus cúm gây bệnh ở tinh tinh), có chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có tên là Spike hoặc S. Protein. Mặt khác, Spike là thành phần tiên phong mở đường tiến công cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người và cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập.

Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, hệ thống miễn dịch tiếp tục tạo ra các tế bào ghi nhớ. Những tế bào này sẽ phát hiện ra virus SARS-CoV-2 nếu loại virus này tấn công cơ thể trong tương lai, bằng cách nhận ra protein tăng đột biến trên bề mặt của virus. Nếu các tế bào miễn dịch đi qua virus SARS-CoV-2 trong cơ thể, chúng sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể và tế bào T rất nhanh, điều này ngăn chặn virus lây lan và làm giảm biến chứng, nguy hiểm do bệnh COVID-19 gây ra.

6 Phân loại vắc xin Covid-19

Có bao nhiêu loại vắc xin?

Một trong những đặc điểm độc đáo của cuộc chạy đua sản xuất vacxin corona là sự khác biệt giữa các ứng viên vắc xin và công nghệ sản xuất vắc xin. Theo đó, các loại vaccine Covid-19 hiện tại đang được sản xuất theo 3 cơ chế:

  • Vắc xin mRNA: Vaccine đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể. Khi đã vào trong tế bào, mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường protein này do virus tổng hợp). Đến lượt protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể (adaptive immune response) chống lại protein của virus. Như vậy cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của virus), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào).
  • Vắc xin protein: Vắc xin này bao gồm các mảnh protein tinh khiết của virus Sars-Cov-2. Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vắc xin giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.
  • Vắc xin vector: Các loại vắc xin dựa trên vi rút vector khác với hầu hết các loại vắc xin thông thường ở chỗ chúng không thực sự chứa kháng nguyên, mà sử dụng chính tế bào của cơ thể để sản xuất chúng. Vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên. Đối với vắc xin phòng virus Sars-Cov-2, mã di truyền là các protein gai trên bề mặt của virus. Khi vắc xin tiêm vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vắc-xin bắt chước những gì xảy ra trong quá trình lây nhiễm tự nhiên với một số mầm bệnh – đặc biệt là vi rút. Điều này có lợi thế là kích hoạt phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ của tế bào T cũng như sản xuất kháng thể của tế bào B.

7 Việt Nam có đang sản xuất vắc xin Covid-19 không?

Trong cuộc “chạy đua với thời gian” để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin Covid-19, Việt Nam đã ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất vắc xin này. Có 4 đơn vị được chỉ định nghiên cứu, trong đó có đến 3 đơn vị có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Theo đó, dự kiến sẽ có 4 loại vắc xin phòng Covid-19 do Việt Nam sản xuất là:

# Tên vắc xin Nhà sản xuất Bản chất Phác đồ tiêm Giá Đặt lịch tiêm
1 Nanocovax Nanogen Protein tái tổ hợp Gồm 2 mũi cơ bản, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, và tiêm nhắc sau 1 năm.  Chưa công bố
2 Chưa đặt tên Vabiotech Vector virus Chưa có dữ liệu Chưa công bố
3 Chưa đặt tên IVAC Vector virus Chưa có dữ liệu Chưa công bố
4 Chưa đặt tên PoLyvac Vector virus Chưa có dữ liệu Chưa công bố

8 Các loại vắc xin Covid-19 trên thế giới

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đe dọa sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân toàn thế giới, các nhà khoa học đang nỗ lực chạy đua với thời gian, để có thể sớm ra đời loại vắc xin an toàn và hiệu quả, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Đến nay, đã hơn một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, các loại vắc xin phòng Covid-19 đầy hứa hẹn đang bước vào những giai đoạn nước rút trước khi được chính thức tung ra thị trường. Theo đó, những ứng cử viên vắc xin phòng Covid-19 sáng giá nhất đang được nghiên cứu và sản xuất trên thế giới hiện nay là:

# Tên vắc xin Nhà sản xuất Bản chất Trụ sở
1 Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca The University of Oxford; AstraZeneca (Anh) Vắc xin vector (adenovirus) Vương quốc Anh
2 Sputnik V Viện nghiên cứu Gamaleya (Nga) Vắc xin vector (adenovirus) Viện nghiên cứu Gamaleya
3 BNT162b2 Pfizer, BioNTech (Đức, Mỹ) mRNA Châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc
4 mRNA-1273 Moderna (Mỹ) mRNA Viện nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington
5 Ad5-nCoV CanSino Biologics (Trung Quốc) Vắc xin vector  (adenovirus) Bệnh viện Tongji Vũ Hán, Trung Quốc
6 JNJ-78436735 (Ad26.COV2.S) Johnson & Johnson (Mỹ) Vắc xin vector (adenovirus) Johnson & Johnson
7 NVX-CoV2373 Novavax (Mỹ) Vắc xin “protein dạng mảnh (protein gai của virus SARS-CoV-2)” Novavax
8 BBIBP-CorV Viện sinh phẩm sinh học Bắc Kinh (CNBG); Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) Vắc xin bất hoạt Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hà Nam
9 CoronaVac Sinovac (Trung Quốc) Vắc xin bất hoạt Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Sinovac
10 Covaxin Bharat Biotech; National Institute of Virology (Ấn Độ) Vắc xin bất hoạt Bharat Biotech và Viện Y học quốc gia
11 COVAX-19 Vaxine Pty Ltd. (Úc) Vắc xin protein tái tổ hợp đơn giá Bệnh viện Hoàng gia Adelaide (Australia)

9 Vắc xin Covid-19 có hiệu quả không?

Công dụng của vắc xin phòng vi rút Sars-Cov-2

Lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao là sự kết hợp đặc biệt nguy hiểm của virus Sars-Cov-2. Từ khi Covid-19 xuất hiện, hệ thống y tế hiện đại khắp toàn cầu đã rơi vào tình trạng quá tải, hàng triệu bác sĩ, nhân viên y tế bị mắc bệnh phải phát tín hiệu cầu cứu đến chính phủ. Ngay trong thời điểm khẩn cấp y tế công cộng quốc tế, việc thúc đẩy sản xuất vắc xin và chia sẻ vắc xin là vấn đề cực kỳ quan trọng được WHO lan tỏa nhằm chấm dứt đại dịch trên toàn cầu.

Cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 hiện đang bước vào giai đoạn bứt phá với hy vọng sớm chấm dứt đại dịch. Chính phủ các nước và tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới đang dốc sức trên chặng nước rút này. Nhiều hãng đã ghi nhận những thành công bước đầu, bên cạnh một số thử nghiệm lâm sàng vẫn còn đang được tiếp tục.

Tại Việt Nam, sự xuất hiện của vacxin corona như một sự kiện lớn mang đến niềm vui chung cho hàng triệu người dân. Có vắc xin, hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng được nâng cao, cuộc chiến Covid-19 sẽ chấm dứt, người dân được bảo vệ khỏi Covid-19, tái thiết lập cuộc sống bình thường, an toàn và khỏe mạnh.

Vắc xin là vũ khí giảm số ca tử vong và mắc Covid-19 nghiêm trọng, duy trì hoạt động chức năng của xã hội, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm áp lực kinh tế, gia tăng cơ hội để người dân được hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần toàn diện.

10 Tiêm vắc xin Covid-19 xong có bị nhiễm Covid lại không?

Câu trả lời là . Không phải tất cả mọi người đều đáp ứng với việc chủng ngừa giống như nhau. Với hầu hết các vắc xin, tỷ lệ bảo vệ không bao giờ là tuyệt đối 100%, vaccine Covid-19 cũng tương tự. Điều này gây ra do nhiều nguyên nhân:

  • Do tiêm vắc xin không đúng lịch, tiêm không đủ mũi;
  • Do hệ thống miễn dịch không đáp ứng tốt trong việc tạo kháng thể;
  • Do người bệnh đã phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh khi vừa mới tiêm vắc xin, hệ miễn dịch chưa kịp tạo ra kháng thể;
  • Do các tác nhân khác.

Để vắc xin phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ, phòng ngừa khỏi virus Sars-Cov-2, cần phải tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi theo chỉ định của bác sĩ.

11 Có bệnh nền có tiêm được vắc xin Covid-19 không?

Trường hợp người dân có các bệnh nền vẫn có thể thực hiện tiêm chủng phòng Covid-19 với điều kiện họ không có các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc có dị ứng ngay lập tức với các liều vắc xin ngừa Covid-19. Trước khi đăng ký tiêm vắc xin cần tìm hiểu thật kỹ những thông tin quan trọng về khuyến cáo quan trọng đối với những người đã từng có bệnh nền.

12 Phụ nữ mang thai có tiêm được vắc xin Covid-19 không?

Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai có thể tiêm chủng vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, nên trao đổi kỹ với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để có quyết định an toàn nhất. Tìm hiểu các khuyến nghị liên quan đến việc tiêm chủng cho người mang thai hoặc cho con bú.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người mang thai từ 13 tuần trở lên có thể cân nhắc tiêm vaccine Covid-19, tiêm ở cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Các loại vaccine hiện có ở Việt Nam đều có thể tiêm cho thai phụ và người đang cho con bú, trừ vaccine Sputnik V chống chỉ định với nhóm này.

13 Có bao nhiêu vắc xin Covid-19 đang được tiêm chủng ở Việt Nam?

Các loại vaccine Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam chúng tôi cập nhật chi tiết và mới nhất >> tại đây.

14 Tôi có chọn được loại vắc xin Covid-19 nào được tiêm không?

CDC không khuyến nghị người dân nên lựa chọn tiêm loại vắc xin nào tốt hơn loại nào. Quyết định quan trọng chính là việc tiêm chủng ngừa Covid-19 càng sớm càng tốt. Mọi vắc xin đưa vào sử dụng đều được Bộ Y tế cấp phép và khuyến nghị dùng đều có tính an toàn và hiệu quả cao. Thực hiện tiêm chủng để phòng ngừa Covid-19, hạn chế các trường hợp lây nhiễm nghiêm trọng trong cộng đồng hiện nay.

15 Các tình trạng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Người dân cần hiểu rõ về nguy cơ các tình trạng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Covid-19. Tình trạng hiếm hoi có thể xảy ra là huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm chủng bằng vắc xin J&J/Janssen. Đây là vấn đề hiếm khi xảy ra, trường hợp đã xảy ra là từ phụ nữ có độ tuổi từ 18 – 49 tuổi. Tuy nhiên, người dân có thể yên tâm vì Bộ Y tế đã và đang nghiên cứu về tình trạng hiếm hoi này và thành công nghiên cứu có tỷ lệ cao.

16 Tiêm vắc xin Covid-19 ở đâu? Có mất tiền không?

Hiện nay hầu hết các địa phương đều đang được tiêm chủng hoàn toàn miễn phí cho người dân. Bạn hãy cập nhật thông báo lịch tiêm tại nơi mình sinh sống để được tiêm vắc xin Covid-19 kịp thời nhé.

Ngoài ra, bạn có thể đăng ký tiêm tại các trung tâm của VNVC (có tốn phí, nhưng chi phí khá hợp lý).

17 Tôi cần phải tiêm bao nhiêu mũi, mũi cách mũi bao lâu?

Các loại vaccine Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam hầu hết đều phải được tiêm 2 mũi, trừ Vắc xin Janssen (Johnson & Johnson)  >> xem chi tiết tại đây.

18 Tiêm cùng một loại hay kết hợp các loại vắc xin Covid-19 là tốt?

Tiêm cùng loại hay khác loại vắc xin cho hiệu quả tốt hơn?

Theo hướng dẫn tại Công văn 6030/BYT-DP 2021 của Bộ Y tế thì những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Tuy nhiên, trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc xin do Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do AstraZeneca sản xuất nếu người được tiêm chủng đồng ý. Không sử dụng vắc xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca.

Cụ thể:

  • Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 AstraZeneca hoặc Pfizer (nếu người tiêm đồng ý)
  • Mũi 1 Sinopharm + Mũi 2 Sinopharm
  • Mũi 1 Pfizer + Mũi 2 Pfizer
  • Mũi 1 Moderna + Mũi 2 Moderna.
  • Mũi 1 AstraZeneca + Mũi 2 không được phép sử dụng Moderna.

19 Có nên ăn trước khi tiêm vắc xin Covid-19 không? Ăn gì là tốt?

Tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này có nghĩa là, vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào.

Những điều cần ghi nhớ trước khi đi tiêm:

  • Giữ cho cơ thể đủ nước
  • Ăn thực phẩm nguyên hạt: các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, bắp,… bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày.
  • Chuẩn bị sẵn sàng thức ăn sau khi tiêm vắc xin: Một số người sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 có thể xảy ra phản ứng buồn nôn. Để đề phòng tình huống này, cần chuẩn bị sẵn một số thực phẩm dễ tiêu hóa như: sốt táo, súp rau, gạo lứt, dưa, khoai tây… Tránh mang những thức ăn khó tiêu như phô mai, nước sốt kem, thịt và thức ăn chiên, thức ăn có đường như kẹo hay bánh nướng. Lưu ý uống đủ nước, đến khi cơn buồn nôn giảm bớt hãy tiếp tục ăn thực phẩm tươi, nguyên chất.
  • Tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vắc xin: CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi chủng ngừa. Rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin…

20 Cần chuẩn bị gì trước khi đi tiêm vắc xin Covid-19?

Bạn cần lưu ý chuẩn bị những điều sau:

  • Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.
  • Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.
  • Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.
  • Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như:
    • Tình trạng sức khỏe hiện tại;
    • Các bệnh mạn tính đang được điều trị;
    • Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.
    • Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.
    • Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vắc xin trước.
    • Tình trạng nhiễm vi rút hoặc mắc Covid-19 (nếu có)
    • Các loại vắc xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua.
    • Tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ)?
  • Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế:
    • Thông tin liên quan đến vắc xin phòng Covid-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo;
    • Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí;
    • Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.

21 Những lưu ý quan trọng sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Tại Quyết định 3588/QĐ-BYT Bộ Y tế đưa ra những lưu ý quan trọng đối với người sau khi tiêm vắc xin, cụ thể:

  • Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
  • Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.
  • Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
  • Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
  • Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:
    • Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
    • Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Một số lưu ý khi tiêm Vaccine Covid-19:

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid -19 lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

  • Bất cứ ai đều có thể đăng ký tiêm Vaccine Covid-19.
  • Phụ nữ có thai được tiêm vacxin ngừa Covid-19 từ 13 tuần trở lên.
  • Nhiều địa điểm tiêm sẽ yêu cầu giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính theo hình thức test nhanh Covid-19 trước khi thực hiện tiêm vaccine Covid-19 và có tấm chắn giọt bắn trong quá trình tiêm. Đây là loại xét nghiệm có kết quả nhanh trong 30 phút giúp phát hiện sớm các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
  • Tự theo dõi tại nhà sau tiêm 28 ngày, đặc biệt 7 ngày đầu sau tiêm.
  • Đảm bảo 5K, giãn cách, vì người tiêm vaccine được bảo vệ rồi, còn người chưa tiêm chưa được bảo vệ. Người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm, vì vậy ngoài phòng vệ cho bản thân, thì phải phòng vệ cho cả cộng đồng.
  • Hiện nay, vaccine Covid -19 đã dần phổ biến rộng rãi và hoàn toàn miễn phí cho mọi người. CDC khuyến cáo nên tiêm vaccine Covid -19 ngay khi tới lượt.

Vắc xin Covid-19 nào tốt nhất thế giới?

Vắc xin COVID-19 là loại vắc xin có tác dụng trong việc phòng chống virus SARS-CoV-2. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu, sản xuất nhiều loại vắc xin có hiệu quả khá tích cực và được WHO công nhận cũng như cấp phép sử dụng.

Mỗi loại vắc xin sẽ có cơ chế hoạt động khác nhau, giúp cơ thể sản sinh ra tế bào lympho T và lympho B nhằm tạo ra khả năng bảo vệ cơ thể con người tránh khỏi sự xâm nhập và tấn công của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vắc xin COVID-19 tốt nhất là loại nào vẫn đang còn là điều mà mọi người thắc mắc.

Theo kết quả của thí nghiệm lâm sàng, vắc xin COVID-19 Pfizer có tác dụng phòng bệnh tốt nhất là 95% sau mũi tiêm thứ hai. Trong khi đó, các loại vắc xin khác như Astrazeneca, Johnson & Johnson hoặc Sinovac,… lại có kết quả thấp hơn khá nhiều.

Tuy nhiên, việc so sánh kết quả thí nghiệm lâm sàng không thể đưa ra chính xác được loại vắc xin tốt nhất đối với mỗi đất nước khác nhau. Bởi vì, mỗi nơi sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cộng đồng, các biện pháp phòng ngừa, hay nhiều biến thể khác nhau,… Chính vì vậy, để xác định được vắc xin COVID-19 tốt nhất hiện nay không chỉ dựa theo kết quả của thí nghiệm lâm sàng mà còn phải chờ đợi vào kết quả thực tế. Để đánh giá được vắc xin COVID-19 tốt nhất hiện nay là điều rất khó. Điều cần thiết bây giờ là phải tiêm chủng kịp thời để ngăn chặn sự lây lan, nhiễm bệnh và biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.

Như vậy, qua bài viết trên bạn đã biết được những câu hỏi thường gặp về Vắc xin Covid-19. Bạn cũng không nên quan trọng về việc chọn loại vắc xin nào tốt nhất, vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất. Bởi mỗi loại vắc xin khi đã được WHO phê duyệt và đưa về Việt Nam sử dụng đều phải đảm bảo 03 yếu tố: (1) An toàn; (2) Sinh miễn dịch; và (3) Hiệu quả bảo vệ (quan trọng nhất). Chúc các bạn sức khỏe và vượt qua mùa dịch!

5/5 - (4 bình chọn)
Click to comment
guest

0 Thảo luận
Phản hồi nội tuyến (inline)
Xem tất cả bình luận
0
Hãy để lại ý kiến/nhu cầu của bạn!x